“Địch công thành, ta công tâm, phải lấy được lòng dân”.
Đây
là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam, Báo Nhân dân, đăng số 2750, ngày 02 tháng 10 năm 1961. Bác nêu rõ quan điểm: “Nói miền Nam, cần nhận định thêm tình hình quốc tế để có chính sách đối phó cho khéo, cần phải nhân sự phát triển của tình hình sau Nghị quyết 15... Nó phá hoại miền Bắc. Nó sợ mình đánh nó. Địch, quân sự mạnh nhưng chính trị yếu. Ta, chính trị mạnh nhưng quân sự yếu. Nếu lấy sức đọ sức để tiêu hao thì không lợi. Ta không lấy đấm chọi đấm mà lấy mưu mẹo để diệt nó, trừ bọn ác đi để bảo vệ cơ sở, phong trào dần sẽ lên. Địch công thành, ta công tâm, phải lấy được lòng dân. Tổ chức du kích cho đều, dễ hoạt động, giúp được dân mà phân tán địch. Đồng thời, ta phải có một vài cú đấm, đánh rồi ta luồn đi. Ta không để lộ lực lượng, phải tự lực cánh sinh, hoạt động dẻo dai. Không phải chỉ có đấu tranh chính trị. Hoạt động sản xuất, văn hóa cũng cần kịp thời chuyển hướng”...
Đây là sự thể hiện nhất quán quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc phải luôn luôn lấy dân làm gốc, phải thấy được sức mạnh vô địch từ nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng qua”. Đây cũng là đặc trưng tiêu biểu về bản chất của Quân đội ta - quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về việc luôn coi trọng và đặt lên hằng đầu sức mạnh của quần chúng nhân dân, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng xây dựng "thế trận lòng dân" là một bộ phận của tiềm lực chính trị tinh thần; dựa vào nhân dân, được nhân dân ủng hộ, che chở giúp đỡ; đồng thời, huy động và khai thác tiềm lực to lớn từ nhân dân, sức mạnh vô địch của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhờ xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, biết khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, căm thù giặc và sức mạnh của lòng dân, các lực lượng cách mạng đã tổ chức đấu tranh bằng nhiều hình thức, thực hiện Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch, liên tục vây ép, tiến công địch cả về chính trị, quân sự, tiêu hao từng bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh, "căng, kéo, kìm, giữ địch", buộc chúng phải phân tán đối phó, góp phần làm cho địch sa lầy bị động, tạo thế cho cấp trên và cùng bộ đội chủ lực ta tiêu diệt địch, giành thắng lợi. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, "thế trận lòng dân" tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chăm lo xây dựng và củng cố vững chắc; kết hợp chặt chẽ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, được dân tin, dân mến, dân yêu, dân giúp đỡ là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của đế quốc, thực dân và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc... Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, vượt mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Ngày 02-10-1928, Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Chủ nghĩa tư bản đế quốc Pháp ở Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc phân tích một cách chi tiết tình hình kinh tế ở xứ thuộc địa này và bài báo kết luận: “... Đế quốc Pháp ở Đông Dương luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ về một cuộc cách mạng sắp tới. Việc đó tạo ra một giai cấp vô sản và dạy cho người An Nam biết sử dụng súng ống là một bằng cớ chứng tỏ chủ nghĩa đế quốc tự mình đào hố để chôn mình”.
Ngày 02-10-1950, nhân dịp Tết Trung thu, Bác Hồ lại viết “Thư gửi Nhi đồng cả nước” khích lệ: “Trung thu này, các cháu tiến bộ nhiều, cũng như kháng chiến ta tiến bộ nhiều... Nhưng Bác chắc rằng: Bất kỳ ở đâu, tinh thần các cháu cũng đều hăng hái vui vẻ. Vì các cháu đều biết rằng: Giặc Pháp và phản động Mỹ không thể ăn cướp ông trăng Trung thu của các cháu. Cũng như chúng nó không thể ngăn trở cuộc thắng lợi của kháng chiến ta. Vì các cháu đều chắc rằng kháng chiến nhất định thắng lợi và đến ngày kháng chiến thắng lợi, thì Bác cháu ta sẽ cùng nhau ăn những cái Tết Trung thu rất vui vẻ, sung sướng, tưng bừng”.
Đầu tháng 10-1953, tại Khuối Tát trên Chiến khu Việt Bắc, Bác gặp các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng để nghe Tổng Tư lệnh báo cáo tình hình địch và công tác chuẩn bị lực lượng của ta cho Chiến dịch sắp tới. Bác chỉ thị: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.
Đầu tháng 10-1966, Bác Hồ góp ý kiến cho nội dung bức trướng của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam dự kiến tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tự tay Bác viết nội dung như sau: “Phụ nữ Việt Nam/ Dũng cảm đảm đang/ Chống Mỹ, cứu nước”.
Ngày 02-10-1968, Bác tiếp tục họp Bộ Chính trị thảo luận đề án đấu tranh ngoại giao sau Tết Mậu Thân, lưu ý rằng, nếu Mỹ ngừng ném bom nhưng chiến tranh vẫn diễn ra ở miền Nam, thì Mỹ vẫn có thể ném bom trở lại miền Bắc nên ta phải chuẩn bị sẵn sàng.