Đòi lật lại, xét lại lịch sử, đó là một trong những chiến lược chống phá Đảng và Nhà nước ta. Và để có thể trang bị cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tấm áo giáp vững chắc trước những ngón đòn thâm độc ấy, thì giáo dục lịch sử là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Có hiểu được, nhớ được lịch sử nước nhà thì mới nhìn thấu được những giọng điệu đổi trắng thay đen, biến có thành không, xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên không gian mạng ấy là nhằm mục đích gì. Nhìn lại quá khứ, trong những thời kỳ khó khăn, gian khổ, nước sôi lửa bỏng, lịch sử hào hùng đã luôn là chỗ dựa, là niềm tự hào để toàn dân tộc vươn lên. Thế nhưng, ngay trong thời bình, ấm no, hạnh phúc, đáng buồn là đã có sự xao nhãng nhất định trong câu chuyện giáo dục lịch sử. Để dẫn đến kết quả là giới trẻ không nhớ về sử, hiểu sai lịch sử và thậm chí là không quan tâm đến lịch sử. Mà không có kiến thức lịch sử thì làm sao hiểu được dân tộc, đất nước mình, làm sao hình thành nên bản lĩnh, bản sắc. Một đất nước mà không có bản lĩnh, bản sắc thì hòa nhập sẽ trở thành hòa tan. Và cùng với tác động những thủ đoạn xuyên tạc lịch sử thâm độc thì nhiều hệ quả nguy hiểm có thể thấy rõ.
Trong khi việc truyền thụ kiến thức lịch sử trong nhà trường chưa hấp dẫn, giới trẻ vẫn tìm tới lịch sử qua các kênh khác như phim ảnh, sách báo.
Lấy ví dụ như phim lịch sử. Đây là dòng phim không thể thiếu đối với bất kỳ nền điện ảnh nào. Những sự kiện lịch sử của Hoa Kỳ là nguồn đề tài không bao giờ cũ đối với các nhà làm phim Hollywood. Trung Quốc nổi tiếng với các phim lịch sử cả ở mảng điện ảnh và truyền hình. Hàn Quốc những năm gần đây cũng nỗ lực khai thác đề tài phim lịch sử, dã sử trên màn ảnh.
Còn Việt Nam, trong hơn 6 thập kỷ qua, tất nhiên là tính cả thời gian bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng Việt Nam chỉ có hơn 20 bộ phim về lịch sử. Một con số ít đến ngỡ ngàng khi nói về thành tích của phim lịch sử ra rạp. Có phim thậm chí còn bị đánh giá là thảm họa.
Trong khi trước đó, chúng ta đã từng gây tiếng vang với thế giới với hàng loạt các tác phẩm Bao giờ cho đến tháng mười, Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội… Có một thực tế, đó là với các quốc gia thành công trong dòng phim lịch sử, thì đòi hỏi sự đầu tư của các hãng phim, thậm chí là một chiến lược từ phía Chính phủ.
Không thích học lịch sử, không được nghe, đọc, hay xem lịch sử. Hậu quả không chỉ dừng lại ở những điểm số.
Khi lịch sử chính thống chưa tiếp cận được người trẻ, thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang vô tình tạo ra một khoảng trống cho những thông tin thiếu chính xác, sai sự thật lịch sử mặc nhiên tung hoành mỗi ngày trên mạng.
Bức tranh về giáo dục lịch sử tại Việt Nam cũng không phải hoàn toàn chỉ là màu xám. Đã có một số điểm tích cực được ghi nhận thời gian gần đây qua việc một số dự án của những người trẻ nhằm truyền tải kiến thức lịch sử đến cộng đồng đã nhận được sự ủng hộ.
Lịch sử thường thức – phục chế màu và âm thanh của những hình ảnh lịch sử đen trắng, mỗi clip thu hút hàng triệu lượt xem.
Vietnam Centre - phục dựng phục trang cổ Việt đi kèm với các hoạt động tuyên truyền trong và ngoài nước. Cuốn sách do nhóm xuất bản: Dệt nên triều đại đã được 1 số trường đại học nước ngoài đưa vào thư viện.
Hay Việt Sử Kiêu Hùng - dự án phim dã sử phi lợi nhuận tái hiện những nhân vật lịch sử, trận đánh của dân tộc.
Dù vậy, đa số những dự án như thế này thường có quy mô nhỏ, phổ biến trong một nhóm hay cộng đồng những người yêu lịch sử. Vẫn cần một chiến lược tổng thể, từ nhiều phía, nhất là những cơ quan có trách nhiệm, để lịch sử đến gần hơn với đông đảo người dân, nhất là những người trẻ./.