Vùng đất bãi trong tỉnh có lợi thế đất đai phì nhiêu, màu mỡ, nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất, hình thành những cánh đồng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Người dân huyện Kim Động nuôi cá lồng trên sông Hồng cho hiệu quả kinh tế cao Huyện Kim Động có hơn 1,5 nghìn héc-ta đất bãi ven sông Hồng. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này, từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, huyện đã đầu tư hơn 220 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo gần 110km đường giao thông. Đến nay, 100% đường giao thông trục xã, liên xã, đường thôn, liên thôn vùng bãi được trải bê tông. Trong tổng số hơn 37,9km đường nội đồng, huyện đã trải bê tông được gần 10km tạo thuận lợi cho Nhân dân sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa giá trị thu nhập 1 héc-ta canh tác vùng bãi đạt 225 triệu đồng/năm.
Tại các địa phương vùng bãi của huyện Văn Giang và huyện Khoái Châu có ưu thế trong phát triển sản xuất hàng hóa, trình độ thâm canh của nông dân ở các địa phương này khá cao, tư duy thị trường nhanh nhạy, cùng với đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển mạnh. Các khu vực chân đất vàn cao, có đê bối bảo vệ được chuyển đổi sang trồng quất cảnh, quất quả, cây ăn quả đặc sản… cho thu lãi 300 - 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành những khu vực chuyên canh hàng hóa lớn, hình thành thị trường tại chỗ như vùng cây cảnh, cây thế, cây ăn quả ở các xã Phụng Công, Mễ Sở, Liên Nghĩa (Văn Giang); Đông Tảo, Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử (Khoái Châu)… Ngoài ra, ở các huyện Khoái Châu, Kim Động… đã quy hoạch vùng trồng chuối với diện tích hơn 1 nghìn héc-ta, thu nhập trung bình 350 - 400 triệu đồng/héc-ta.
Hạ tầng giao thông nông thôn của xã Phụng Công (Văn Giang) được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho Nhân dân phát triển kinh tế Trong điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn xanh như bãi cỏ, các sản phẩm từ cây trồng như ngô, khoai, đậu tương… cùng với lợi thế về bãi chăn thả nên chăn nuôi vùng bãi phát triển mạnh, chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu chăn nuôi của toàn tỉnh. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp vùng bãi chỉ chiếm 7,7% đất nông nghiệp toàn tỉnh nhưng đàn trâu, bò chiếm gần 30%, đàn lợn chiếm gần 15%...
Với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đất bãi, ngày 22/3/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 843/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Đề án vùng bãi). Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện đề án hơn 2.104 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện hỗ trợ hơn 536,3 tỷ đồng, nguồn vốn doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác hơn 1.568 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án vùng bãi đối với phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất gồm: Xây dựng, nâng cấp 22 bến bãi vật liệu và trung chuyển hàng hóa; cải tạo nâng cấp hơn 330km đường giao thông trục và nội đồng. Xây dựng hệ thống thủy lợi hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; giai đoạn năm 2021 - 2030, phấn đấu đầu tư xây dựng 18 trạm bơm tưới, tiêu; nâng cấp 18,2km đê bối; xây mới 27 cầu, cống; nâng cấp, kiên cố hóa hơn 119,7km kênh mương nội đồng. Đầu tư xây dựng mới 28 trạm biến áp, lắp đặt 71km đường dây hạ thế phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm.
Để thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp vùng bãi, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường phối hợp, định hướng cho các địa phương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển sản phẩm OCOP. Trong lĩnh vực trồng trọt, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản chủ lực; cải tạo, thay thế những cây ăn quả có giá trị kinh tế thấp. Trong đó, giữ nguyên và dần thu hẹp diện tích cấy lúa hiện có; phát triển, mở rộng diện tích trồng ngô theo hướng gắn với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cây chuối tiếp tục tăng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; diện tích trồng chuối đến năm 2025 đạt 1.428 héc-ta. Cây nhãn đến năm 2025, diện tích đạt 691 héc-ta. Cây có múi (cam, quýt, bưởi), áp dụng kỹ thuật thâm canh và công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị; tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao ở các địa phương như: Văn Giang, Khoái Châu, Phù Cừ, Kim Động và thành phố Hưng Yên; đến năm 2025, diện tích đạt 820 héc-ta. Cây thực phẩm (rau, củ, quả) mở rộng diện tích đến năm 2025 đạt 222 héc-ta. Đối với trồng hoa, cây cảnh, đến năm 2025, sản lượng hoa cung ứng cho thị trường tại chỗ chiếm 30%; còn lại 70% lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội, các vùng khác và tiến tới xuất khẩu…
Giai đoạn năm 2021 - 2030, vùng bãi ưu tiên đầu tư các dự án gồm: Dự án trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Kim Động, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên. Dự án trồng cây có múi, nhãn, vải có quy mô 20 héc-ta/dự án tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên; trồng chuối quy mô từ 50 héc-ta/dự án trở lên tại các huyện Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Dự án trồng dược liệu quy mô từ 20 héc-ta/dự án tại các huyện Khoái Châu, Kim Động; sản xuất cây giống tập trung với diện tích 50 héc-ta tại xã Tân Châu (Khoái Châu). Dự án xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản (rau, quả, thịt, cá) bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư có quy mô từ 10 héc-ta trở lên; xây dựng khu nuôi thả thủy sản tập trung và nuôi cá lồng.
Nguồn: https://baohungyen.vn