Mùa xuân, là lúc đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan đón chào năm mới. Ở nhiều làng xã, hội làng ngày xuân gắn liền với mục đích cúng Thành hoàng, các vị thần, các bậc tiền hiền có công khai canh, lập làng, còn mang ý nghĩa tâm linh cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, dân an vật lợi.
Từ bao đời nay, đối với người Việt thì mùa xuân luôn là mùa của lễ hội, trước đây có rất nhiều làng tổ chức hội xuân, tuy không bề thế và nổi tiếng như các hội xuân ở miền Bắc, nhưng hội xuân trong các làng xã thực sự là những ngày hội náo nức của người dân Việt Nam vào các dịp đầu năm mới. Đây là lúc mọi người tham gia các nghi lễ long trọng nhất do dân làng tổ chức để cúng bái, tế lễ, ngưỡng vọng về các vị thần linh, các bậc tiền nhân đã có công với làng, với nước; sau đó cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian vui nhộn, được tắm mình trong bầu không khí đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, để thư giản tinh thần sau một năm lam lũ kiếm sống. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, nghề nghiệp của từng làng để tổ chức hội xuân cho phù hợp; tuy nhiên thời gian thường được tổ chức trong các ngày Tết, từ một tuần lễ đến mười ngày, thậm chí có nơi còn kéo dài cho đến hết tháng hai âm lịch.
Hội làng: những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp
- Hướng về cội nguồn
Hướng về cội nguồn là đạo lý, là truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” quý báu của dân tộc. Hội làng là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa cõi thiêng và thế giới trần tục, giữa đạo và đời, giữa thần thánh và con người. Lúc này, tại đình làng tập trung những sự kiện quan trọng nhất mang ý nghĩa tôn vinh cao quý nhất, những hình tượng thiêng liêng nhất để dâng lên các vị thần - nhân vật hội tụ những phẩm chất cao đẹp, được dân làng tấn phong và thờ cúng với tấm lòng đầy biết ơn và ngưỡng vọng.
Hội làng là sự hội tụ cao độ của tinh hoa văn hóa, trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, hàm chứa những giá trị văn hoá - nhân văn cao đẹp. Đó là sự tích hợp những giá trị văn hoá dân gian truyền thống, đậm sắc màu tâm linh, được phô diễn trong ngày hội tế thần; là dịp để cháu con tìm về cội nguồn, dòng tộc tiên tổ, hướng về kỳ tích, ôn lại những chiến công của các anh hùng dân tộc, của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là sự tôn trọng quá khứ, tôn vinh các bậc tiền nhân, từ đó góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa dân tộc, giá trị nhân văn cao đẹp.
- Hun đúc, kết tinh, bảo tồn, sáng tạo những giá trị truyền thống
Hội làng không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa, mà còn là nơi hun đúc, kết tinh, bảo tồn làm phong phú thêm và ngày càng phát huy nền văn hóa cao đẹp của dân tộc. Trong những ngày này, mọi lo toan đời thường được gỡ bỏ để lòng người mở cửa đón xuân. Cuộc sống yên bình chốn làng quê như thức tỉnh bởi tiếng chiêng trống náo nhiệt, đón mọi người hân hoan, tụ hội đến chốn trang nghiêm dự lễ. Hội làng là nơi con người hóa thân vào văn hóa và văn hóa đã làm biến đổi con người. Một “bảo tàng sống” được hồi sinh, sáng tạo, trao truyền mà nhất quán các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hội làng chính là tâm điểm của cái nôi văn hóa, mọi thuần phong mỹ tục được kết tinh, chọn lọc của cha ông ngàn đời được phản ánh trong lễ hội.
Lúc này không khí thiêng liêng hòa quyện với đời sống hiện thực vui tươi mà trong sáng, hân hoan. Người dự hội luôn hướng đến tâm linh, ứng xử lễ độ, tôn quý nhau trong ngôn từ, hành động. Ăn mặc, đi đứng, nói năng đầy văn hóa; những gì hay nhất, đẹp nhất của mọi người hầu như tập trung tại đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng; đó chính là lúc con người bảo lưu, gìn giữ, trao truyền, chuyển tải và phát triển truyền thống văn hoá của làng mình một cách hữu hiệu nhất, đúng thời cơ và hiệu quả nhất.
- Góp phần cố kết cộng đồng, kết nối quan hệ xã hội
Hội làng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân làng. Từ xa xưa, hội làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê. Ở đó thể hiện tính cộng đồng sâu sắc, là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết, hướng con người vào tập thể, đề cao ý thức cộng đồng vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã.
Người tham gia lễ hội lại là người tổ chức, sáng tác, thể hiện, hưởng thụ các giá trị văn hóa và tín ngưỡng tâm linh một cách sâu sắc nhất. Do vậy, hội làng bao giờ cũng cũng thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân văn sâu sắc. Khi con người đắm mình vào lễ hội thì mọi ích lợi cá nhân, toan tính đời thường bị xóa mờ; ranh giới giàu nghèo không còn hiện hữu, phân biệt, họ luôn lấy sự hòa đồng, sự quây quần sum họp làm niềm vui, vì khi cùng chia sẻ với nhau nỗi hân hoan, buồn bực thì người ta sẽ cảm thấy niềm vui dường như được tăng lên bội phần, nỗi buồn sẽ dần vơi cạn. Tất cả ai cũng như ai, cùng nhau nắm tay đoàn kết để hưởng thụ những giá trị văn hóa cao đẹp của cộng đồng. Thông qua hội làng mọi người được gắn bó bền chặt, là lúc tập hợp sức mạnh tinh thần và vật chất của mọi thành viên, nó giống như một chất keo kết dính, gắn kết con người trong làng xã trở thành một sức mạnh cộng đồng, làng xóm. Đây là dịp tốt nhất để cộng đồng cư dân trên khắp địa bàn giao lưu với nhau, nó thể hiện qua sự giao hiếu, giao hảo giữa các làng và các địa phương.
- Là dịp để mọi người vui chơi, giải trí, thư giản, tạo tinh thần sảng khoái bước vào năm mới
Tham gia lễ hội là nhu cầu tinh thần của con người, thể hiện sự điều tiết đời sống tâm lý của cá nhân và cộng đồng. Các sinh hoạt văn hoá trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho người dân, tạo tâm thế vững tin trước cuộc sống mưu sinh sắp tới.
Trước anh linh của các vị thần, của các bậc tiên tổ, mọi người ai cũng có thể giải bày những phiền muộn, lo âu; cầu nguyện năm mới mọi đều may mắn vì họ tin rằng các vị thần sẽ che chở, giúp rập để tránh tai ương, rủi ro và đem lại nhiều điều may mắn, tốt đẹp đến với gia đình mình, với bà con làng xóm.
Đến hội làng là lúc mọi người được vui chơi, giao lưu, gặp gỡ và hòa mình chung vào lễ hội. Người đi hội không ai đứng ngoài cuộc, họ phải hóa thân, nhập thân vào các trò chơi, trò diễn; nhất là các trò diễn giải trí, thi thố tài năng, hứa hẹn mang những điều tốt đẹp, may mắn đến với dân làng. Thông qua lễ hội để thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, khơi dậy nguồn sáng tạo, cùng nhau rèn luyện sức khỏe để xây dựng cuộc sống mới.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn người dân; bởi hội làng là tinh hoa văn hóa người Việt, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, làm cho thế hệ hôm nay thấu hiểu, tri ân đối với công lao của tổ tiên, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc./.