Thời gian gần đây, phụ huynh tại nhiều tỉnh, thành phản ứng với chương trình liên kết trong nhà trường về giá cả và cách thức thực hiện. Đặc biệt, các tiết học này được nhiều nhà trường xếp vào lịch chính khóa, ảnh hưởng tới những em không có nhu cầu học. Bên cạnh đó, cùng một chương trình nhưng mỗi trường quy định một mức thu; chất lượng chương trình liên kết cũng chưa có sự kiểm soát thật sự chặt chẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, cần một cuộc tổng rà soát đánh giá thực trạng, để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này. Chèn môn tự nguyện vào giờ chính khóa là sai quy định Thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT về hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục, thời gian qua, các địa phương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: Giáo dục kỹ năng sống; liên kết dạy Ngoại ngữ, dạy Tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường... theo nhu cầu người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Kết quả đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn hạn chế, tạo ra dư luận không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này. Trong đó, có 2 vấn đề được dư luận đặt ra trong cách thức mà các nhà trường triển khai. Thứ nhất là việc một số trường xếp thời khoá biểu các chương trình liên kết vào giữa giờ các buổi sáng trong tuần. Điều này đặt phụ huynh không có nhu cầu đăng ký cho con học nhưng buộc phải theo để đảm bảo con được ngồi trong lớp học an toàn, không phải ra ngoài khi các bạn khác trong lớp đều tham gia học. Theo các phụ huynh, việc tăng cường kiến thức, kỹ năng cho các con thông qua các môn học liên kết như tiếng Anh liên kết, Toán tiếng Anh, Kỹ năng sống hay giáo dục STEAM đều cần thiết. Vấn đề đặt ra là cách thức tổ chức triển khai và để thuận lợi cho tất cả phụ huynh, nhà trường nên xếp lịch các môn liên kết sau giờ học chính khoá, khi đó nếu học sinh nào có nhu cầu mới học, em nào không có nhu cầu thì có thể ra về sớm. Vấn đề thứ hai là việc kiểm soát giá cả, chất lượng các chương trình liên kết khi cùng một môn học nhưng mức thu ở các trường lại khác nhau. Việc kiểm soát chất lượng giảng dạy chương trình vẫn còn chưa chặt chẽ do các môn học liên kết không kiểm tra, đánh giá và không ghi điểm vào học bạ. Bên cạnh đó, do liên quan đến lợi nhuận, ở đây là mức chiết khấu mà các đơn vị liên kết trích lại cho phía nhà trường nên dư luận cũng lo ngại có thể các đơn vị sẽ cố gắng tìm mọi cách để “trúng thầu”, không loại trừ các tiêu cực nảy sinh và vì thế chất lượng một số chương trình cũng sẽ không cao. Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc chèn môn tự nguyện vào giờ học chính khóa là sai quy định. Theo ông Tài, khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên, nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức hoạt động giáo dục dựa trên quy định do địa phương quản lý như: Học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM... Từ đó, xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với chương trình. Nhà trường không được gây quá tải, không ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia. Loại bỏ các chương trình liên kết chưa đảm bảo chất lượng Theo quy định, các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp hiện được các trường tổ chức theo tinh thần thoả thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh. Các đơn vị liên kết đã được Sở GD&ĐT cấp phép, thẩm định chương trình. Khi trường chọn đơn vị liên kết bổ trợ, nhà trường cần nghiên cứu hồ sơ, làm tờ trình lên Phòng GD&ĐT, xin ý kiến tổ chức trên tinh thần thoả thuận với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, khác với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy định, hay nói đúng hơn là không có nguồn lực để đánh gia,á vì thế xã hội còn lo ngại về chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là lý do mà một số địa phương, trong đó có Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã yêu cầu tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống và tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện, đảm bảo quy định. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm. Chia sẻ với PV Báo CAND, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho rằng, tình trạng tổ chức dạy các môn liên kết trong nhà trường không đúng quy định gây bức xúc dư luận thời gian qua ngoài trách nhiệm của các nhà trường mà đứng đầu là hiệu trưởng, có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT khi đã không có những hướng dẫn đầy đủ và hiệu quả nên việc triển khai mỗi nơi một kiểu. Từ thực tế trên, thầy Tùng đề xuất Bộ GD&ĐT cần đưa ra các hướng dẫn, các yêu cầu cụ thể, rõ ràng để các địa phương áp dụng đúng quy định và triển khai hiệu quả. Các Sở GD&ĐT cũng nên vào cuộc ngay và có chấn chỉnh cần thiết đối với các đơn vị thực hiện sai quy định nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em học sinh. Với phụ huynh học sinh, cần phối hợp trong Ban phụ huynh lớp, Ban phụ huynh trường lên tiếng khi phát hiện các sai phạm hay các cách làm liên kết không đúng quy định, không hiệu quả. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng nêu quan điểm: Để đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết trong nhà trường, Sở GD&ĐT địa phương cần chú trọng hơn nữa vào công tác thẩm định chương trình nhằm ngăn chặn tình trạng chương trình chưa đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào nhà trường. Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh và học viên khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các Sở GD&ĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học; đồng thời, báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương về Bộ GD&ĐT trước ngày 15/10. Trên cơ sở báo cáo rà soát của các địa phương, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ đánh giá đúng thực trạng, bổ sung văn bản chỉ đạo để thực hiện đúng và hiệu quả hoạt động này; đồng thời sẽ rà soát Thông tư 04, nếu sau gần 10 năm triển khai có những nội dung không còn phù hợp, các đơn vị chức năng của Bộ có đánh giá và cần thiết sẽ bổ sung, sửa đổi. (Báo Công an nhân dân)
|